Bất chấp thời tiết nắng nóng, những ngày qua, nhiều phụ huynh đã tập trung tại Trường tiểu học Cù Chính Lan (ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) để chờ giải quyết khiếu nại liên quan tới cách giảng dạy và đánh giá học sinh của cô N.Đ.T.B.T giáo viên môn Âm nhạc nhà trường. Được biết, cô N.Đ.T.B.T là giáo viên Âm nhạc duy nhất của Trường tiểu học Cù Chính Lan.
Phụ huynh nói học sinh sợ khi học môn Âm nhạc
Bức xúc, xót xa, nóng lòng chờ kết quả,... là những cảm xúc đan xen của những bậc phụ huynh trong thời gian chờ đợi kết luận của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Pleiku.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị T. có con đang theo học tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan cho biết, con trai của chị bị chứng rối loạn giảm chú ý.
Vào đầu năm học, chị đã thông tin tình trạng của con trai cho thầy cô giáo ở trường.
“Toàn trường đều biết về trường hợp của con tôi, không chỉ riêng cô giáo chủ nhiệm, kể cả các giáo viên không trực tiếp giảng dạy cũng đều biết.
Mặc dù vậy, con vẫn rất cố gắng trong học tập. Kết quả môn Toán con được 10 điểm, Tiếng Việt 8 điểm.
Với môn Âm nhạc, con hát được cơ bản, tất nhiên không thể đạt được những yêu cầu cao về chuyên môn như cô giáo đề ra, tuy nhiên con vẫn học thuộc lời bài hát đầy đủ, nhưng cô vẫn không ghi nhận sự cố gắng của con.
Cả lớp chỉ có con của tôi không đạt môn Âm nhạc”, vị phụ huynh ngậm ngùi chia sẻ.
Cũng có con đang theo học lớp 1 tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan, một vị phụ huynh cho phóng viên biết: “Tôi có cả con và các cháu họ hàng đều đang học tại đây, và cũng bị trượt môn Âm nhạc”.
Chị chạnh lòng khi nhớ lại lời kể của con: “Nó chạy theo cô giáo để hỏi “Giấy khen của con đâu cô?”, vì các môn con đều được điểm 9, 10 nên nghĩ rằng sẽ được nhận giấy khen xuất sắc”.
Một vị từng có con theo học tại trường giờ đã chuyển cấp cũng phản ánh đến phóng viên bức xúc về cô giáo dạy Nhạc.
Theo chị, Âm nhạc là môn năng khiếu, vì vậy sẽ có học sinh có thiên phú, học tốt, và cũng sẽ có những em không có năng khiếu. Do vậy, là cô giáo, cần phải dìu dắt và giúp đỡ, khuyến khích sự cố gắng của các con, thay vì gây áp lực lên học sinh.
Các bậc phụ huynh cũng đặt ra câu hỏi về hoạt động giảng dạy của cô giáo này: “Trong quá trình dạy, cô đã thực sự nghiêm túc giảng dạy hay chưa?”.
Theo đó, phụ huynh cho biết, con từng phản ánh lại rằng cô giáo Âm nhạc chủ yếu mở ti vi lên cho các con coi, trong thời gian đó cô giáo lại làm những việc riêng khác như bấm điện thoại, đếm tiền,...
Chị H. tiếp tục kể lại: “Kiểm tra môn Âm nhạc cô giáo không hề cho đề cương ôn tập, chúng tôi phải tập cho con về môn Âm nhạc tới tận 11, 12 giờ đêm. Tuy nhiên, theo lời kể của con giờ kiểm tra cô giáo chỉ gọi khoảng nửa lớp lên kiểm tra nhưng đều có đánh giá của cả lớp đầy đủ từ hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.
Cô giáo có phản hồi rằng cô chấm điểm trong quá trình học tập của các cháu. Tuy nhiên, với một số em có thể quá trình học có lúc chưa tập trung, nhưng có cố gắng phấn đấu để đạt kết quả cao ở bài kiểm tra cuối kỳ thì như thế nào?”
Vị phụ huynh còn bức xúc kể thêm, trong quá trình giảng dạy, con của họ có về kể lại cô còn có hành động, lời lẽ thiếu chuẩn mực như ném sách vở học sinh, bắt các con đứng ngoài cửa lớp, gõ đầu, nhéo tai khi các con không thuộc bài,...
Không chỉ phản ánh về cách dạy học, phụ huynh còn bày tỏ sự bức xúc về thái độ của cô giáo thiếu sự tôn trọng với chính trường học và các bậc phụ huynh.
Cụ thể, cô giáo đã có nhiều chia sẻ trên mạng xã hội (Zalo) thiếu chuẩn mực như chỉ trích phụ huynh, cho phụ huynh là loại này, loại kia.