Minh Chứng

 Những ngày qua, vấn đề giáo dục được đông đảo phụ huynh, học sinh quan tâm là kỳ thi tuyển sinh vào 10 diễn ra ở các địa phương. Nhìn chung, đây là kỳ thi áp lực nhất của học sinh phổ thông lại diễn ra trong những ngày đầu hè khá nắng, nóng, chưa kể ở nhiều nơi còn đang bị cắt điện. Điều này khiến cho các gia đình có con em thi vào 10 thực sự "nhấp nhổm" không yên. 


 Ngay bản chất cụm từ “thi tuyển sinh 10” cũng đã thể hiện đầy đủ sự khó khăn đối với những thí sinh tham dự kỳ thi này. Khó khăn là điều đương nhiên, áp lực là điều dễ thấy trên khuôn mặt những học trò tuổi 15, nhất là những em tham dự thi ở các trường chuyên, trường thị, thành- nơi đa phần có tỉ lệ chọi cao chót vót. 

 Vì thế, con em mình đậu được nguyện vọng 1 là điều phụ huynh mừng cho con, mừng cho gia đình mình nhưng lỡ không may con em mình không đậu nguyện vọng 1, thậm chí rớt các nguyện vọng trường công lập cũng xem đây là chuyện rất bình thường trong thi cử.

Phụ huynh không nên có những lời nói nặng nề, trách móc, hay những lời bóng gió xa xôi làm gì mà tội nghiệp học trò. Vì chúng ta đều biết, có tổ chức thi là sẽ có rớt bởi “hạnh phúc như một tấm chăn nhỏ, người này đắp thì người khác sẽ lạnh”. 

Nếu thi mà thí sinh nào cũng đậu thì địa phương tổ chức kỳ thi làm gì cho tốn kém và áp lực. Trước và trong kỳ thi tuyển sinh 10 diễn ra, có lẽ không ai hiểu và thương những thí sinh bằng chính những phụ huynh học sinh. Đa phần những em tham dự kỳ thi này phải học ngày, học đêm, học mọi lúc, mọi nơi có thể. Qua thông tin phản ánh của báo chí, chúng ta thấy kỳ thi tuyển sinh 10, năm học 2023-2024 ở Hà Nội, chỉ tuyển 55,7% thí sinh vào lớp 10 công lập nên khi chưa thi đã biết cứ 100 em thi sẽ có tới 44 em rớt. Vì thế, ngay cả những em có học lực khá, thậm chí là giỏi vẫn có thể rớt vào lớp 10 công lập như thường. Những thí sinh ở các địa phương khác thuộc khu vực đô thị có tỉ lệ chọi thấp hơn Hà Nội nhưng cũng tương đối khó khăn để cạnh tranh vào nguyện vọng 1 vì thông thường cũng 1 chọi 2, chọi 3 và nhiều khi phải cạnh tranh với nhiều bạn giỏi. 

 Chính vì tỉ lệ chọi ở nhiều trường cao nên những tháng trước khi thi, học sinh gần như có lịch học kín ngày, kín tuần ở trường, ở nhà thầy cô hoặc ở trung tâm gia sư nhằm củng cố, bổ sung kiến thức và làm quen với các dạng đề thi khác nhau. Về nhà, đương nhiên thời gian nào rảnh là học sinh lại tiếp tục ôn luyện. Nhiều em thể hiện rõ sự mệt mỏi, thiếu ngủ trên khuôn mặt sau những tháng ngày căng thẳng ôn luyện. Đa phần các em đã cố gắng hết sức, dành toàn tâm, toàn sức lực và gần như toàn bộ thời gian cho kỳ thi tuyển sinh 10 với hy vọng sẽ đậu vào nguyện vọng 1- trường mà mình cảm thấy yêu thích và phù hợp nhất với năng lực của mình. 

 Tuy nhiên, càng trường chuyên, trường trọng điểm của các huyện, thị, thành phố thì tỉ lệ chọi thường cao và sự cạnh tranh giữa các thí sinh với nhau càng lớn. Vì vậy, có nhưng hội đồng thi một nửa thí sinh, hoặc 2/3 thí sinh dự thi rớt nguyện vọng 1 cũng là điều thường thấy, không hề khó hiểu. Không đậu nguyện vọng 1 cũng đồng nghĩa các thí sinh phải xét đến nguyện vọng 2, thậm chí nguyện vọng 3, thậm chí không đậu nguyện vọng nào vào trường công lập. Tất nhiên, khi rơi vào những hoàn cảnh như vậy, học sinh là người buồn nhất, đau khổ nhất chứ không phải là ai khác. 

 Lúc này, học sinh cần người thân, cần những lời an ủi, động viên để các em vượt qua cú sốc đầu tiên. Một lời trách móc, thở than của cha mẹ lúc này chẳng giúp ích được gì cho con, cho gia đình mình. Thậm chí, dẫn các em đến những suy nghĩ, hành động tiêu cực. 

 Vì thế, không ai khác, những bậc phụ huynh sẽ bên cạnh con để sẻ chia và định hướng cho con mình chuyển sang các phương án khác. Suy cho cùng: “Ở đời này không có con đường đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là có đủ sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy” hay không. Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác lại mở ra Thực tế cho thấy, trước khi kỳ thi tuyển sinh 10 diễn ra, các địa phương đều có kế hoạch tuyển sinh và phân luồng theo tỉ lệ từng loại hình đào tạo khá cụ thể. Vì thế, tỉ lệ phần trăm cho các trường công lập đã được ấn định từ khi chưa thi. Điều này cho thấy số lượng học sinh lớp 9 tốt nghiệp Trung học cơ sở trong năm đã được các sở giáo dục tính toán khá cụ thể và học sinh sẽ có nhiều phương án lựa chọn cho tương lai của mình sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở. 

 Đa phần học sinh sẽ lựa chọn tham dự kỳ thi tuyển sinh 10 công lập vì không phải em nào cũng có điều kiện để học ở các trường tư thục, dân lập. Việc học nghề sớm hoặc lao động sớm cũng không nhiều em lựa chọn vì tuổi các em còn nhỏ, Hơn nữa, gia đình nào cũng chỉ có 1-2 đứa con nên phụ huynh luôn kỳ vọng vào tương lai của con em mình sau này. 

 Chính vì vậy, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các trường Trung học phổ thông công lập đa số đều vượt chỉ tiêu tuyển là điều đương nhiên. Khi số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều hơn, thậm chí gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển bắt buộc thí sinh phải cạnh tranh trực tiếp với các thí sinh khác. Khi đã có sự cạnh tranh thì không phải em nào tham dự kỳ thi cũng đều đậu nguyện vọng của mình và chuyện đậu vào nguyện vọng 2, 3 cũng đã là một thành công. Song, có những em không may mắn rớt các nguyện vọng cũng là điều khá bình thường trong kỳ thi tuyển sinh 10. 

 Thế nhưng, “cánh cổng này đóng lại, cánh cổng khác lại mở ra” đã là quy luật của cuộc đời nên những lúc này không ai khác là chính những bậc làm cha, làm mẹ sẽ vực dậy tinh thần cho các em để chọn hướng đi mới. Tất nhiên, khi mục đích ban đầu không đạt được sẽ có những khó khăn, thử thách nhất định nhưng mọi chuyện rồi sẽ qua đi. Điều quan trọng là con em mình luôn có một điểm tựa tinh thần vững vàng trong những khó khăn nhất là cha mẹ để giúp các em vượt qua và ổn định về tâm lí, tinh thần. 

 Tuổi 15 đầy nhạy cảm và thực tế các em chưa trưởng thành, chưa từng trải. Chính vì thế, việc cha mẹ đồng hành, chia sẻ cả niềm vui, nỗi buồn, cả thành công và thất bại của con là điều quan trọng nhất để hướng cho các em trưởng thành và vững vàng bước qua mọi thử thách. 

 Cha mẹ là điểm tựa, niềm tin của con; con là hy vọng và tương lai của cha mẹ nên việc đồng hành, định hướng, chia sẻ cùng con trong mọi hoàn cảnh là điều cần thiết. 

 Không niềm vui nào hơn khi cha mẹ nghe tin con mình đậu nhưng lỡ không may con không có niềm vui đó thì phụ huynh cũng bình tĩnh vỗ về, an ủi con đứng lên để tìm lối đi mới để khẳng định bản thân mình ở một môi trường học tập mới.

Theo giaoduc.net.vn