Chỉ trong một thời gian ngắn, Đồng Nai đã đưa vào
sử dụng hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như: cầu Đồng Nai mới,
cầu Hóa An mới, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1
đoạn tránh TP.Biên Hòa (đường Võ Nguyên Giáp), cầu Hiệp Hòa, cầu Bửu
Hòa, cầu vượt ngã tư Vũng Tàu, cầu vượt Amata, hầm chui Tam Hiệp, nâng
cấp quốc lộ 51...
Tuy
nhiên, trong gần 2 năm qua, rất ít dự án BĐS đã tồn tại ở đây nhiều năm
trước có cơ hội "sống lại". Trong khi các dự án BĐS ở khu vực nội thành
TP.Biên Hòa có hoạt động kinh doanh tương đối nhộn nhịp, đắt khách nhất
vẫn là các sản phẩm phân khúc bình dân, từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/sản
phẩm, thì những khu vực khác như Long Thành, Nhơn Trạch vẫn khá vắng vẻ.
Cụ
thể, cách sân bay tương lai 2-3km, ở huyện Long Thành vẫn còn hàng loạt
dự án "ngủ đông", chủ yếu của các nhà đầu tư nhỏ có sẵn quỹ đất trong
tay từ trước với quy mô từ 1-20 ha, như các dự án: Ruby Town, Blue
Topaz, Aquamarine Town, Victoria City, Long Thành Center, Thung Lũng
Xanh…
Xa hơn so với khu vực quy hoạch sân bay,
cũng nằm trên địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch là những dự án
quy mô lớn như: Sunflower City có quy mô lên đến 150 ha; Mega 70 ha dọc
theo trục đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Detaco Nhơn
Trạch quy mô 47 ha, Six Senses 55 ha, Khu dân cư Tam An 36 ha, Khu dân
cư Thống Nhất 34 ha, Khu dân cư Long Tân và Điền Phước 100 ha, Khu dân
cư Đại Phước hơn 400 ha...
Tại huyện này, còn có
một số dự án BĐS nghỉ dưỡng có tiến độ triển khai rất chậm nhiều năm
qua. Chẳng hạn như dự án đầu tư khu đô thị du lịch sinh thái 330 ha ở xã
Long Tân do Tổng công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng làm chủ đầu
tư. Dự án này đã được giới thiệu địa điểm từ giữa năm 2009 và đến nay
đã gia hạn 4 lần.
Dự án lớn thứ hai là khu du
lịch sinh thái ở xã Long Tân và Phước Thiền có diện tích hơn 250ha do
Công ty TNHH bất động sản Thái Thành làm chủ đầu tư. Dự án đã được giới
thiệu địa điểm từ năm 2012 và tỉnh đã gia hạn 1 lần. Dự án khu du lịch
sinh thái ở xã Đại Phước rộng 130 ha, do Tổng công ty Tín Nghĩa làm chủ
đầu tư được tỉnh giới thiệu địa điểm từ năm 2007 nhưng hiện vẫn đang
trong giai đoạn lập thủ tục bồi thường...
Nhìn
chung, đa số những khu đất này vẫn hoang hóa, nhiều ngôi nhà được xây
dựng dang dở tiếp tục tồn tại như gần 10 năm qua. Quay trở lại huyện
Nhơn Trạch sau gần một năm, chúng tôi chứng kiến thị trường BĐS nơi đây
vẫn mang một gam màu tối u ám.
Nhiều văn phòng
kinh doanh của công ty BĐS đã khóa kín cửa, không còn hoạt động như hồi
tháng 5/2015. Điển hình như tòa nhà văn phòng của Tập đoàn Phát triển
nhà và Đô thị (HUD) đã xuống cấp hoàn toàn.
Thực
tế cho thấy doanh nghiệp vẫn có sự thận trọng trong triển khai các dự
án BĐS cũ cũng như mới. Theo một vài chuyên gia kinh tế, Dự án Cảng hàng
không quốc tế Long Thành có quy mô quá lớn nên dù được tập trung thực
hiện thì tiến độ ra sao và hiệu quả ra sao vẫn chưa xác định, do đó giao
dịch thực tế từ phía người dân và các nhà đầu tư nhỏ chưa “nóng” như
nhiều thông tin trước đó.
Khi nào những bảng hiệu này sẽ được tỏa sáng?
Một
đại diện văn phòng UBND huyện Nhơn Trạch cho biết giờ đây rất khó để
tìm được các nhà đầu tư những dự án như thế này. Huyện đã nhiều lần kiến
nghị lên tỉnh cho gia hạn thời gian triển khai dự án nhiều lần nhưng
cũng không có gì mới.
Bảng
quảng cáo được dựng ngay trên khu đất đầu tư dự án khu đô thị Đông Sài
Gòn đang phai mờ theo thời gian. Bốn bề khu đất là cây cỏ...
Bi kịch này là hệ quả của cơn sốt đất quá nóng từ trước năm 2008.
Nhìn bảng hiệu này, nếu khách hàng muốn tìm nơi mua nhà cũng không thể đọc được gì vì mọi thông tin đã bị thời gian xóa sạch.
Những văn phòng kinh doanh vắng bóng người
Khi
nhu cầu ảo bị thổi lên quá đà, nhà đầu tư không đủ tài chính thực hiện
những dự án hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD thì việc các dự án
đắp chiếu năm này qua tháng nọ là điều không khó hiểu.
Các
địa bàn nóng bỏng như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành đã từng kéo theo
hàng ngàn nhà đầu tư nhỏ lẻ bỏ tiền vào rồi phá sản hoặc mất vốn khi kỳ
vọng vào những dự án quá lớn, như: thành phố mới Nhơn Trạch,; Khu đô
thị Sun Flower City...
Văn phòng làm việc chính của tập đoàn HUD.
Các
dự án nhà, đất gần khu vực quy hoạch dự án Cảng hàng không quốc tế Long
Thành cũng như đất ở các khu dân cư của 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch
hiện giao dịch chậm và giá không tăng như nhiều tin đồn.
Bên
trong văn phòng kinh doanh của tập đoàn HUD. Nhiều người dân xung quanh
cho biết hơn 2 năm nay họ không thấy ai đến làm việc.
"Chết" trên những khối tài sản khổng lồ
Người dân bắt đầu tận dụng những diện tích đất hoang rộng lớn trồng khoai mì và các loại cây ăn trái khác.
Tại
Đồng Nai, nhiều năm qua không ít dự án bất động sản có vốn đăng ký trăm
triệu, chục triệu USD, ăn theo quy hoạch hạ tầng đã “chết yểu” hoặc
chưa được xử lý rốt ráo dù đã “trùm mền” cả chục năm.
Với
75 dự án khu dân cư có diện tích gần 7 ngàn hécta, Nhơn Trạch là huyện
được quy hoạch dự án khu dân cư nhiều nhất tỉnh. Có những dự án đã xây
dựng xong hạ tầng, hoàn thiện nhà nhưng lại không có người mua, dẫn đến
bỏ hoang nhiều năm.
Đường
đi, lưới điện của một dự án đã được làm hoàn chỉnh nhưng cỏ mọc che lấp
gần hết. Nhiều dự án dân cư khác của huyện Nhơn Trạch cũng rơi vào tình
cảnh hoang vắng không người ở.
Thật
sự phải lấy hết can đảm mới dám bước vào những ngôi biệt thự hoang tàn
như thế này. Để vào được bên trong, chúng tôi phải vượt qua một khoảng
đất trống hơn 700m đầy bụi gai. Hầu hết các ngôi nhà này đã xuống cấp,
rất hôi hám...
Cách
trung tâm huyện Nhơn Trạch chỉ khoảng 1-3km nhưng nhiều dự án khu dân
cư đã cơ bản hoàn thành hạ tầng lại bỏ hoang, cỏ mọc lút đầu người.
Những
biệt thự ở đây có căn đã hoàn thiện, căn đang xây dang dở, tất cả đều
bỏ hoang từ nhiều năm nay rất vắng vẻ, cỏ mọc um tùm và dây leo chằng
chịt.
Một
doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM cho biết hiện đơn vị này có 2 dự án khu
dân cư tại Nhơn Trạch, nhưng tiếp tục chờ thời điểm thích hợp mới đầu
tư.
Nhiều
chuyên gia bất động sản cho rằng, các dự án khu đô thị ở Nhơn Trạch là
hậu quả của việc đầu tư tràn lan, không cân đối sát với nhu cầu về nhà ở
trên thị trường.
Nỗi ám ảnh mang tên... Nhơn Trạch!
Nguyên Vỹ
Theo Trí thức trẻ