Ông Bùi Minh Hải (SN 1956) ngụ
ấp Long Hiệu, thuộc xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Nhìn quanh trong ngôi nhà của ông Hải, có lẽ điều khiến chúng ta
bất ngờ nhất đó chính là hình ảnh của một chiếc đồng hồ đã khá cũ kỹ.
Chiếc đồng hồ này được ông Hải cất giữ như "báu vật" của cuộc đời mình.
Bởi lẽ, đây chính là "kỷ vật" mà mỗi khi nhìn thấy nó, ông không giấu
được những cảm xúc của mình, khi nhớ lại khoảng thời gian mà ông phải
mang hai chữ "tội đồ".
Cách đây 17 năm, vào buổi
sáng ngày 25/1/1998, tại xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) đã xảy ra
một vụ án mạng nghiêm trọng. Lúc này, một người dân địa phương đã kinh
hoàng khi phát hiện ra một thi thể nằm dưới gốc cây điều. Cơ quan chức
năng đã nhanh chóng vào cuộc. Nạn nhân trong vụ án này được xác định là
chị Trần Thị Thanh Dung (SN 1967, ngụ ấp Long Hiệu, xã Long Tân). Theo
kết quả giám định tử thi, nguyên nhân dẫn đến việc nạn nhân bị tử vong
là do một vật nhọn đâm xuyên cổ và có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Từ
những kết luận điều tra ban đầu, các cơ quan chức năng nhận định đây là
vụ án giết người, cướp của, hiếp dâm.
Tại hiện
trường vụ án, cơ quan chức năng phát hiện một chiếc đồng hồ đeo tay, màu
đen. Và như một sự trùng hợp đầy hy hữu, chiếc đồng hồ này chính là của
ông Hải. Ngay lập tức, ông Hải được triệu tập tại cơ quan công an để
lấy lời khai. Theo lời khai, ông Hải thừa nhận chiếc đồng hồ đó là của
mình, nhưng không nhận mình là hung thủ gây ra cái chết của chị Dung.
Chiếc đồng hồ oan nghiệt.
"Chiếc
đồng hồ đó là của con gái tôi, chuyện là năm đó, chiếc đồng hồ ấy bị
hỏng nên tôi mang đi sửa. Sau đó tôi có đi liên hoan với bạn bè, vì quá
chén nên trên đường về tôi bị té ngã xuống đường. Chiếc đồng hồ cũng đã
bị đánh rơi khi ấy nhưng tôi không hề nhớ. Cho đến sáng hôm sau, con tôi
hỏi, tôi mới sực nhớ ra chạy đi tìm khắp nơi nhưng không tìm thấy", ông
Hải bộc bạch.
Mặc dù lúc đó ông Hải cũng đã
trần tình về nguồn gốc của chiếc đồng hồ và tường thuật lại toàn bộ sự
việc với cơ quan công an. Nhưng đến ngày 18/7/1998, Viện KSND tỉnh Đồng
Nai vẫn truy tố ông Hải về tội "Giết người, cướp tài sản và hiếp dâm".
Bản cáo trạng này giống như "sét đánh ngang tai" đối với bản thân ông
Hải và gia đình ông. Nhưng ông vẫn luôn nuôi hy vọng rồi cũng sẽ có một
ngày, những nỗi oan ức mà ông đang gánh phải sẽ sớm được gỡ bỏ.
Ngày
23/11/1998, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Ông
Hải đã bị HĐXX tuyên án tù chung thân. Chia sẻ với chúng tôi về giây
phút mà HĐXX tuyên án, ông Hải giọng nghẹn ngào: "Đau lắm, điều mà làm
cho tôi xót xa nhất lúc đấy không phải là bản án oan mà chính là ánh mắt
tuyệt vọng của vợ và các con của tôi. Tôi biết, mọi người trong nhà ai
cũng tin rằng tôi không có tội. Nhưng bản án ấy của tòa giống như những
con dao đã cắt đi sự hy vọng trong chúng tôi lúc này...".
Và
rồi sau đó, ông Hải cũng cố giấu đi những giọt nước mắt của mình để lấy
lại bình tĩnh mà tiếp tục kêu oan. Có lẽ, đối với ông Hải, việc kêu oan
lúc này, không phải chỉ để phục hồi danh dự và nhân phẩm cho bản thân
mình. Điều duy nhất mà ông mong muốn là rửa được nỗi oan cho mình để vợ,
con ông không phải gánh chịu những tai tiếng oan ức.
Thế
rồi câu chuyện về nỗi oan của ông cũng đã đến "hồi kết". Bốn tháng sau
kể từ lúc ông Hải bị giam giữ, cơ quan công an bắt được đối tượng Nguyễn
Văn Tèo (SN 1975, ngụ Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch). Đối tượng
Tèo đã ra tay giết hại và hiếp dâm chị Phạm Thị Hoàn Thành (SN 1989, ngụ
huyện Nhơn Trạch) vào ngày 24/2/1999. Trong khoảng thời gian đó, nạn
nhân mới chỉ 13 tuổi và đang học tiểu học. Tại cơ quan công an, Tèo tiếp
tục khai nhận mình chính là hung thủ hiếp dâm chị Trần Thị Thanh Dung.
Ông Bùi Minh Hải.
Bi kịch đằng sau nỗi oan sai
Ngồi
nhâm nhi ly trà nóng, ông Hải kể cho chúng tôi nghe tiếp về câu chuyện
"oái oăm" của cuộc đời mình. "Sau khi Nguyễn Văn Tèo ra nhận tội, thì
lúc đó tôi mới được minh oan. Nhưng những gì đã trải qua thì không thể
nào quên lãng được. Khoảng thời gian bị xem như một tội đồ ấy đã khiến
cho những người thân của tôi phải chịu nhiều khổ cực", ông Hải chia sẻ.
Có
lẽ, từ lúc ông Hải được minh oan thì cuộc đời của ông cũng bước sang
một trang mới với nhiều nỗi gian truân. Chuyện là từ lúc ông bị bắt vì
mang tội "giết người", cuộc sống gia đình ông cũng dần trở nên khó khăn
hơn. Trong gia đình, ông Hải là người lao động chính. Khi nghe tin ông
bị bắt, tất cả các mối làm ăn của ông đều cắt đứt. Kinh tế gia đình cũng
từ đó mà suy sụp dần, con cái ông cũng phải bỏ học. "Lúc đó, các con
của tôi thi vào đại học, chúng nó học rất giỏi nên đều thi đậu vào các
trường đại học danh tiếng. Nhưng chỉ vì tôi bị oan ức mà chúng nó phải
dang dở chuyện học. Nghĩ đến đây thôi là lòng dạ tôi đau như dao cắt",
ông Hải nghẹn ngào nói. Điều đáng nói ở đây nữa là lúc đó vợ ông Hải lại
lâm trọng bệnh. Vì bao nhiêu tiền bạc chạy vạy được đều để dành kêu oan
cho ông Hải nên không có tiền để bà chữa trị.
Chia
sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Luông (62 tuổi, vợ ông Hải) không
giấu được cảm xúc: "Lúc ông Hải bị bắt, mọi người trong xóm ai cũng xa
lánh chúng tôi. Cho dù tôi có cố gắng giải thích với họ rằng chồng tôi
không có tội, nhưng không ai tin. Lúc ấy, tôi và các con đều không dám
ra khỏi nhà, bởi vì nhìn thấy chúng tôi, họ lại chỉ trỏ, buông ra những
lời lẽ khinh miệt. Mặc dù biết "cây ngay không sợ chết đứng", nhưng tôi
vẫn rất đau xót vì những lời nói ấy. Thế là mỗi khi có việc gì cần đi ra
ngoài, là tôi lại đội nón, trùm kín mặt để tránh bị người người nhòm
ngó".
Bà Luông cũng cho biết thêm, ông Hải được
minh oan, chính quyền địa phương tổ chức một buổi lễ để công bố với mọi
người về nỗi oan mà ông Hải đã mang. "Nhà nước cũng hỗ trợ cho chúng tôi
một phần vì những oan ức đó. Nhưng chuyện làm ăn bị đổ vỡ, con cái phải
bỏ ngang việc học đã khiến tôi bị suy sụp. Hằng ngày, tôi đều ở trong
căn phòng của mình và làm bạn với rượu mà không hề tiếp xúc với bất kỳ
ai. Mãi cho đến hai năm sau, tôi mới dần vực lại tinh thần. Lúc đó, tôi
cho rằng, con tôi phải nghỉ học, vợ tôi lại mang bệnh nặng là lỗi của
mình. Hơn nữa, dù tôi đã được minh oan nhưng một số người lại nghĩ rằng
tôi chạy tội nên mới được thả. Không thể để mọi người nghĩ "quan tha thì
ma bắt", nên tôi đã cố gắng đứng dậy và làm lại từ đầu", ông Hải chia
sẻ.
Thế rồi, ông Hải cũng đã tự gây dựng lại sự
nghiệp của mình. Hơn nữa, ông còn tích cực tham gia vào các công tác tại
địa phương. Đến nay, ông đã là Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong xã,
Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã. Ở độ tuổi lục tuần, mái
tóc của ông cũng đã ngấn hai màu đen – trắng. Nhưng hằng ngày, ông Hải
vẫn tích cực phấn đấu trở thành một công dân tốt, một cán bộ gương mẫu.
"Hy vọng sẽ không còn những vụ án oan sai"
Chia
sẻ với chúng tôi, ông Bùi Minh Hải cho biết: "Suốt hơn 13 tháng sống
trong ngục tù, đã khiến tôi hiểu được nỗi đau của một người thật sự bị
oan sai. Tôi biết, kết án oan cho một công dân vô tội là điều không ai
mong muốn. Chính vì thế, tôi luôn hy vọng, từ nay sẽ không có thêm bất
kỳ một án oan sai nào giống như tôi nữa".
Theo đời sống pháp luật